Ấn Độ xem xét áp thuế chống bán phá giá đối với lá nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc

11/09/2024

Trong một động thái nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã khuyến nghị áp thuế chống bán phá giá đối với lá nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.

DGTR đã tiếp nhận đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá đối với lá nhôm từ công ty Hindalco, một trong những nhà sản xuất nhôm hàng đầu của Ấn Độ. Ngoài ra, các công ty khác cùng Hindalco đệ đơn lên cơ quan điều tra, bao gồm: Shyam Sel & Power Ltd, Venkateshwara Electrocast Pvt. Ltd và Ravi Raj Foils Ltd. Các công ty này cùng nhau đại diện cho khoảng 45%

năng lực sản xuất của Ấn Độ và 54% sản lượng thực tế trong ngành.

DGTR cho rằng có đầy đủ bằng chứng cho thấy lá nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm tới 30% thị trường Ấn Độ, mặc dù năng lực sản xuất trong nước đủ lớn. DGTR kết luận rằng hàng nhập khẩu của Trung Quốc đang làm giảm giá trong nước, buộc các nhà sản xuất Ấn Độ phải bán dưới giá thành sản xuất.

Sản phẩm lá nhôm bị điều tra tập trung vào loại có độ dày đến 80 micron, không bao gồm lá nhôm dưới 5,5 micron (không được ứng dụng để sản xuất tụ điện). Sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trong bao bì để bảo quản thực phẩm.

Để tạo môi trường cạnh tranh công bằng, DGTR đã đề xuất mức thuế chống bán phá giá đối với lá

nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc từ 619 đến 873 đô la/tấn. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc thực hiện các mức thuế này thuộc về Bộ Tài chính.

Khuyến nghị này đã gây ra một cuộc tranh luận trong ngành. Trong khi các nhà sản xuất nhôm trong nước hoan nghênh động thái này, một số khác lại phản đối. Các nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu đầu vào là lá nhôm cho rằng việc áp thuế có thể dẫn đến chi phí cao hơn cho hàng hóa thành phẩm, có khả năng khiến các sản phẩm của Ấn Độ kém cạnh tranh hơn và sẽ là nguyên nhân khiến Ấn Độ phải tăng lượng hàng nhập khẩu thành phẩm từ các quốc gia khác.

Tình hình này nhấn mạnh đến hành động cân bằng phức tạp cần có trong chính sách thương mại. Một mặt, cần phải bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, có những lo ngại về tác động đến chuỗi cung ứng và giá cả cho người tiêu dùng cuối cùng.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang nỗ lực giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Bất chấp nhiều biện pháp thương mại khác nhau, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng, đạt hơn 60 tỷ đô la trong bảy tháng đầu năm 2024 – tăng 10% so với năm trước.

Đây là thời điểm quan trọng trong chính sách công nghiệp của Ấn Độ và cách tiếp cận của nước này trong việc quản lý các mối quan hệ thương mại quốc tế, đặc biệt là với đối tác thương mại lớn nhất của mình là Trung Quốc.

(Tin cảnh báo sớm của Cục Phòng vệ thương mại)