THÔNG CÁO KẾT QUẢ DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP NGÀNH NHÔM VIỆT NAM – 2023

22/05/2023

Ngày 17/5/2023, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam phối hợp cùng Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam – 2023. Diễn đàn đã thu hút trên 200 đại biểu là các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong hệ sinh thái ngành nhôm cả nước và các cơ quan thông tấn báo chí đến dự đưa tin sự kiện.

Các chuyên gia điều phối phiên tọa đàm với các doanh nghiệp ngành Nhôm

Tại diễn đàn, đại diện Hiệp hội Nhôm đã báo cáo tổng quan hiện trạng ngành nhôm Việt Nam, chỉ ra cơ hội và nhấn mạnh ba vấn đề thách thức với ngành nhôm hiện nay:

Thứ nhất là hiện trạng ngành nhôm đang vô cùng khó khăn: Nhu cầu thị trường giảm mạnh các nhà máy đang hoạt động ở mức xấp xỉ 30% công suất, dòng tiền cạn kiệt. Một số DN trong nước đang bán phá giá gây nhiễu loạn thị trường, cần có biện pháp lành mạnh thị trường, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nhôm Việt nam để tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Hiệp hội tiếp tục kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm dạng thanh, que và hình; đây là nhóm sản phẩm thế mạnh của nhôm Việt Nam hiện nay.

Thứ hai là Quyết định áp thuế chống bán phá giá sẽ hết hiệu lực từ tháng 10/2024, thời hạn nộp hồ sơ rà soát cuối kỳ đến tháng 9/2023. Các nhà sx cần nhìn nhận vai trò của thuế chống bán phá giá đối với thị trường trong nước những năm qua. Gai đoạn năm 2019-2020: việc áp thuế chống bán phá giá nhôm định hình xuất xứ từ Trung Quốc đã từng là sự cứu cánh cho các doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam trước bờ vực phá sản, mất đi thị trường trong nước. Do đó, các nhà sản xuất cần xem xét lại tình hình hiện nay và thống nhất quan điểm với Hiệp hội để đề nghị Bộ Công thương gia hạn Quyết định thêm 5 năm.

Thứ ba là xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào ngành sản xuất nhôm Việt Nam những năm gần đây rất rõ nét, chủ yếu là dòng vốn đến từ các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc (điển hình là việc Công ty Xingfa Quảng Đông đề xuất xây dựng nhà máy sản xuất nhôm định hình sản lượng 150.000 tấn năm tai Hải Dương) để tránh bị áp thuế chống bán phá giá. Đồng thời, việc chuyển cứ điểm sản xuất có thể giúp nhôm Trung Quốc tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà nhôm Việt Nam đang được hưởng, nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước như Mỹ, EU, Anh…

Hiện tượng dư thừa công suất và cung đang vượt quá cầu của ngành nhôm Việt Nam đang rất trầm trọng nhất là trong bối cảnh suy thoái hiện nay. Do đó, nếu dự án trên được phê duyệt sẽ bổ sung cho thị trường 150.000 tấn/năm tương đương với khoảng 10 nhà máy nhôm ở Việt Nam. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu của các nhà máy. Các đơn vị lại thêm lần nữa đối mặt với nguy cơ mất đi thị trường trong nước lần 2 như những năm 2018-2019 trước khi áp thuế chống bán phá giá; đồng thời đối mặt với rủi ro bị điều tra/ áp thuế lẩn tránh PVTM khi nhôm Việt xuất khẩu sang Mỹ, EU…

Trước thực trạng khó khăn trên và từ kinh nghiệm của các Hiệp hội ngành hàng trong nước và quốc tế, các chuyên gia, đại diện các bộ ngành đã đưa ra các định hướng, giải pháp ngắn hạn và lâu dài cho ngành nhôm Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Bên cạnh các giải pháp về chính sách mà Hiệp hội đang kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn thì sự đoàn kết liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong hệ sinh thái ngành Nhôm là đặc biệt quan trọng, nó quyết định sự thành bại của các vấn đề trên. PGS. TS. Trần Đình Thiên và các chuyên gia khẳng định và nhấn mạnh điều này.

 

Ban thường vụ Hiệp hội Nhôm điều hành phiên thảo luận với các doanh nghiệp

Phiên thảo luận định hướng và giải pháp cho ngành nhôm Việt Nam do ông Nguyễn Minh Kế Chủ tịch Hiệp hội và Ban Thường vụ điều hành đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự Diễn đàn. Các doanh nghiệp đều thống nhất sẽ cùng nhau tập trung thực hiện các giải pháp để bảo vệ nền sản xuất trong nước:

  1. Việc áp thuế chống bán phá giá (CBPG) vẫn đang là một trong những động lực giúp các nhà máy giữ được thị trường trong nước. Do đó các doanh nghiệp trong ngành cần phải kiến nghị Bộ Công thương gia hạn áp thuế CBPG nhôm Trung Quốc chu kỳ 5 năm tiếp theo (2024-2029); 70% doanh nghiệp tham dự biểu quyết thông qua, không có ý kiến phản đối.
  2. Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành nghề nhôm Việt Nam theo xu hướng sản xuất xanh đồng thời cân đối cung cầu cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
  3. Tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các tỉnh cần xem xét cẩn trọng đối với các dự án đầu tư sản xuất vốn FDI kể cả dự án mua bán, chuyển nhượng nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước trước bối cảnh dư thừa công suất.
  4. Kiến nghị giải pháp tăng sức cạnh tranh cho nhôm xuất khẩu thông qua đề nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm dạng thanh, que và hình (mã HS 7604) như giai đoạn trước năm 2016.
  5. Trước mắt, Hiệp hội sẽ xây dựng một báo cáo tổng quan về thực trạng và tập hợp các giải pháp, kiến nghị cho toàn ngành để Chính phủ, các bộ ngành liên quan chung tay, đồng hành cùng các doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam.

Các doanh nghiệp về dự đã đóng góp ý kiến, thảo luận định hướng cho ngành Nhôm Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo:

Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp và nhận được sự ủng hộ, phản hồi tích cực của các doanh nghiệp trên cả nước. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nhà sản xuất kinh doanh trên cả nước.

Ban tổ chức xin gửi lời cảm ơn tới các doanh nghiệp đã về dự Diễn đàn và đóng góp ý kiến, quan điểm, xây dựng định hướng cho ngành nhôm Việt Nam! 

Đại diện các doanh nghiệp chụp ảnh với chuyên gia

Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn Chị Phạm Ngọc Thủy và Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng các cơ quan thông tấn báo chí đã hỗ trợ chúng tôi trong suốt quá trình tổ chức Diễn đàn và đồng hành cùng Hiệp hội trong nhiều năm qua.

Đặc biệt Ban tổ chức Diễn đàn xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến PGS.TS. Trần Đình Thiên cùng các chuyên gia, đại diện các bộ ngành đã đến dự, đưa ra cái nhìn khách quan và các lời khuyên cho doanh nghiệp, Hiệp hội; định hướng được các nhiệm vụ cần thực hiện vì sự phát triển của ngành Nhôm Việt Nam.

Xin cảm ơn Quý vị đại biểu khách quý đã đến tham dự Diễn đàn doanh nghiêp ngành nhôm Việt Nam – 2023 và góp phần cho sự thành công của sự kiện

Đại diện các doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm

Xem Thông cáo kết luận tại đây: TB Kết quả Diễn đàn DN ngành Nhôm VN 2023

Ban tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam – 2023